
Tại sao ly, cốc và các dụng cụ bằng thủy tinh thường bị mờ đục?
Có hai nguyên nhân chính gây ra tình trạng đục của đồ thủy tinh: nước cứng và ăn mòn thủy tinh. Nước cứng làm giảm độ mạnh của chất tẩy rửa, khiến việc vệ sinh đồ thủy tinh trở nên khó khăn hơn và các khoáng chất có trong nước cứng cũng có thể để lại lớp màng đục trên chính đồ thủy tinh.
Hiện tượng ăn mòn là tình trạng ăn mòn vĩnh viễn đồ thủy tinh và có nhiều nguyên nhân, phổ biến nhất là do sử dụng hóa chất mạnh.
Điều quan trọng là bạn phải xác định được vấn đề mình đang gặp phải trước, sau đó mới có thể xác định cách ngăn ngừa vấn đề đó trong tương lai.
"Phương pháp giấm trắng" là một thử nghiệm đơn giản để phát hiện độ đục do nước cứng hay do ăn mòn. Ngâm đồ thủy tinh của bạn trong giấm trong năm phút. Nếu lớp màng đục biến mất, đó là do nước cứng. Nếu lớp màng vẫn còn, đó là do hiện tượng ăn mòn gây ra và không thể khắc phục được. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể làm chậm quá trình ăn mòn để kéo dài tuổi thọ của đồ thủy tinh.
Cách ngăn ngừa cặn nước cứng khi sử dụng máy rửa bát
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến bát đĩa và đồ thủy tinh bị đục là nước cứng hoặc nước có hàm lượng khoáng chất cao. Vấn đề với nước cứng có hai mặt.
Đầu tiên, khoáng chất trong nước làm giảm hiệu quả của chất tẩy rửa, do đó có thể cần nhiều chất tẩy rửa hơn để rửa sạch bát đĩa. Nước cứng cũng không rửa sạch bằng nước mềm, kết quả là để lại một lớp xà phòng hoặc nước bẩn trên bát đĩa.
Nhưng vấn đề là thêm quá nhiều chất tẩy rửa vào nước cứng chỉ làm vấn đề rửa sạch nghiêm trọng hơn. Hơn nữa, dùng nhiều chất tẩy rửa cũng gây hại cho thiết bị cũng như sức khỏe của bạn và gia đình.
Thứ hai, khoáng chất trong nước cứng có thể khô trên bề mặt đồ thủy tinh, tạo thành một lớp màng đục.
Nếu nguồn nước của gia đình bạn là nước cứng, bạn có thể thử một số cách sau:
1. Thêm chất tẩy rửa
Thêm nhiều chất tẩy rửa có thể loại bỏ cặn nước cứng khỏi đồ thủy tinh hiệu quả. Nhưng sử dụng quá nhiều chất tẩy rửa có thể để lại lớp màng xà phòng trên bát đĩa, vì vậy hãy thử nghiệm với các lượng khác nhau để tìm lượng chất tẩy rửa tốt nhất. Có thể thêm sản phẩm hỗ trợ giúp tăng hiệu quả làm sạch và diệt khuẩn vào chu trình rửa trước để loại bỏ các vết nước cứng.
2. Sử dụng chất trợ xả
Chất trợ xả có dạng rắn và dạng lỏng, giúp giảm vết đốm nước và ăn mòn bề mặt bát đĩa bằng cách làm nước không bám lại trên đồ dùng. Hầu hết các loại chất trợ xả đều được thêm vào mỗi lần rửa bát.
Kể cả khi máy rửa bát của bạn hoạt động hiệu quả, nhà sản xuất vẫn luôn khuyến khích người dùng sử dụng chất trợ xả cùng các chất tẩy rửa chuyên dụng khác để tối ưu hóa hoạt động của thiết bị.

3. Kiểm tra nhiệt độ nước của bạn
Mở nước ở bồn rửa bát trong khoảng 1 phút (để tránh lãng phí, hãy mở nước vào xô để dùng tưới cây hoặc cho các hoạt động khác). Đặt một nhiệt kế đo nước (loại nhiệt kế kẹo) vào cốc, rồi xả nước vào để đo nhiệt độ nước đầu vào.
Nhiều nhà sản xuất chất tẩy rửa bát đĩa cũng như Viện Vệ sinh Hoa Kỳ khuyến nghị nhiệt độ lý tưởng là trên 50 độ C. Tuy nhiên, thay vì tăng nhiệt độ bình nóng lạnh quá cao, bạn nên sử dụng chế độ "nhiệt độ cao" (high-temp) trên máy rửa bát – chế độ này sẽ làm nóng nước lên tối đa khoảng 60°C khi cần thiết.
Nếu bình nóng lạnh đặt xa bếp, nước nóng có thể đến chậm hơn. Trong trường hợp đó, hãy xả nước ở vòi bếp cho đến khi nước nóng hẳn rồi mới bật máy rửa bát. Cách này giúp máy lấy được nước nóng ngay từ đầu và có thể rửa sạch hơn.
4. Máy rửa chén có tích hợp bộ làm mềm nước
Nếu bạn sống ở khu vực có nước cứng, bạn nên cân nhắc nâng cấp máy rửa bát sang loại có sẵn bộ làm mềm nước bên trong. Các hãng như Bosch, Miele và Whirlpool đều có các mẫu máy tích hợp chức năng này. Bạn chỉ cần cho muối rửa bát chuyên dụng vào ngăn đựng muối trong máy, máy sẽ tự động xả muối ra trong chu trình xả cuối, giúp làm mềm nước và ngăn không cho ly chén bị đọng vết nước khi khô.
Làm thế nào để ngăn ngừa ăn mòn thủy tinh?
Nếu lớp mờ đục trên ly thủy tinh không hết khi ngâm với giấm, thì rất có thể ly của bạn đã bị ăn mòn. Ăn mòn là quá trình mài mòn vật liệu thủy tinh, tạo ra các vết lõm và vết xước nhỏ nhưng không thể loại bỏ được. Nguyên nhân có thể do nước quá mềm, nước quá nóng, quá nhiều (hoặc không đúng loại) chất tẩy rửa hoặc chà rửa bát quá kỹ trước khi cho vào máy, khiến máy không còn gì để “xử lý”, dẫn đến hóa chất tác động vào chính bề mặt ly.
Có một số cách để kiểm soát quá trình khắc trên đồ thủy tinh của bạn:
1. Tránh tráng, rửa trước đồ dùng
Các loại nước rửa chén hiện đại chứa muối kiềm mạnh, vốn được trung hòa bởi dầu mỡ và cặn thức ăn còn sót lại trên bát đĩa. Nếu bạn rửa sạch hết thức ăn trước khi cho vào máy, chất tẩy không có gì để trung hòa, dẫn đến tác động trực tiếp lên bề mặt chén đĩa, làm tăng nguy cơ ăn mòn.
Bạn có thể cạo hoặc lau vụn thức ăn còn sót lại trên bát đĩa trước khi bỏ vào máy rửa bát để giúp thiết bị làm sạch hiệu quả hơn và tránh bị tắc nghẽn nhưng không được tráng hoặc rửa trước.
2. Sử dụng ít chất tẩy rửa hơn
Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn dùng nước mềm. Nước mềm giúp xà phòng hoạt động hiệu quả hơn, vì vậy không cần dùng nhiều như khi có nước cứng. Hãy thử nghiệm lượng chất tẩy rửa để tìm ra mức vừa đủ làm sạch mà không gây hại cho bát đĩa.
3. Thử một loại chất tẩy rửa khác
Một số loại chất tẩy rửa gây ăn mòn nhiều hơn loại khác, tùy thuộc vào độ mềm của nước và các yếu tố khác. Hãy thử loại nhẹ hơn, có độ pH thấp hơn hoặc loại không chứa phosphate để bảo vệ bề mặt đồ dùng tốt hơn.
Nếu cần thiết, bạn có thể tìm đến các trung tâm bảo hành máy rửa bát xin tư vấn từ chuyên gia tại trung tâm để tìm ra loại chất tẩy rửa phù hợp nhất với thiết bị của mình.
Lược dịch từ: thespruce.com